Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

Truy bắt kẻ trốn nã "xuyên thế kỷ"

Đại úy Phan Thanh Tùng - Phó Đội trưởng Đội truy nã tội phạm truy nã khác, Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Thuận kể lại: “Sau khi sa lưới pháp luật vào ngày 23-5-1988 về tội trộm cắp, cướp giật, Nguyễn Huy Cường, SN 1967 tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận bị Tòa án nhân dân tỉnh Thuận Hải cũ tuyên phạt 13 năm tù và thi hành án tại trại giam Z30D.

Trong quá trình thụ án, Cường kết thân với một bạn tù tên Nguyễn Văn Hên, quê ở tỉnh Sóc Trăng và nguyện thề sau khi ra tù sẽ hợp cùng nhau tạo thành đôi bạn "có cơm cùng ăn, có tiền cùng hưởng…".

Năm 1990, lợi dụng các trại viên đồng loạt vây quanh cán bộ quản giáo đòi yêu sách, Hên đã cưa đứt song sắt, trộm khẩu súng AK rồi rủ Cường cùng trốn khỏi trại.

Cuộc đào tẩu này chỉ mình Hên trốn thoát, còn Cường do bị cán bộ quản giáo phát hiện bắt giữ.Đến ngày 20-2-1993, lợi dụng lúc đang đi lao động, Cường đã tìm cách trốn thoát.

Sau nhiều năm liên tục truy lùng nhưng không tìm thấy tung tích của Nguyễn Huy Cường, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận đã chuyển hồ sơ sang Phòng PC52 để đến ngày 20-1-2014, đơn vị này đã xác lập chuyên án truy xét.

Với quyết tâm phải bắt bằng được đối tượng Nguyễn Huy Cường về quy án, ngay sau khi chuyên án được thành lập, lãnh đạo Phòng PC52 đã tung ngay các trinh sát vào cuộc nhưng gặp ngay nút thắt bởi trong lúc gặp mặt, bà Lê Thị Sang (mẹ Cường) thông báo Cường đã chết năm 1999 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Số là vào tháng 7-1999, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện một thi thể trôi dạt vào bờ biển, sau đó xác định nạn nhân tên Nguyễn Huy Cường, SN 1967 tại huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Do lúc đó đang có trận bão lớn tràn qua khu vực này, cha mẹ Cường đã già yếu không vượt bão đến nơi nhận xác con được, hơn nữa họ tên, năm sinh và nhận dạng gần trùng khớp với thằng con bất trị nên cha mẹ Cường đã gật đầu xác nhận đại, sau đó lập bàn thờ lấy ngày 15-7 làm ngày giỗ Cường.

Suốt từ đó đến nay, năm nào cha mẹ Cường cũng làm cơm canh, đốt vàng mã cúng Cường.

Nghiên cứu lại hồ sơ, các trinh sát nhận thấy có một số điểm khác thường giữa nạn nhân tên Nguyễn Huy Cường và đối tượng tội phạm đặc biệt nguy hiểm Nguyễn Huy Cường mà lực lượng Công an đang truy tìm, lãnh đạo Phòng PC52 đã huy động thêm lực lượng tỏa đi khắp các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Ninh Thuận, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh và đặc biệt là các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Cà Mau, nơi mà trong suốt thời gian từ năm 1995 đến năm 1999 có những đối tượng thường sử dụng súng AK cùng phương thức thủ đoạn giống hệt Cường gây ra hàng loạt vụ cướp rất táo bạo.

Tuy nhiên, khi lật lại hồ sơ các vụ án mà Công an tỉnh Sóc Trăng đã triệt phá trước đó không có đối tượng nào tên Nguyễn Huy Cường, chỉ có Nguyễn Hùng, SN 1968 và Nguyễn Trường Giang SN 1967, nhưng sau khi được tha tù, cả hai đã đi khỏi địa phương.

Nhận định có thể Cường đã thay đổi họ tên, lai lịch để che giấu thân phận, các trinh sát tiếp tục truy tìm.

Đến đầu tháng 1-2016 thì phát hiện một đối tượng tên Nguyễn Hùng hiện đang làm thợ sửa máy ghe, xuồng có tiếng tại một xã ngoại thành T. Sóc Trăng có ngoại hình na ná với Nguyễn Huy Cường nên các trinh sát đã mời Hùng lên làm việc.

Lúc đầu Cường liên tục chối tội bằng cách khẳng định mình là Nguyễn Hùng, trước đây sống trong cô nhi viện ở quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh, sau đó trốn khỏi, đi trộm cướp và bị Công an tỉnh Sóc Trăng bắt rồi bị xử tù, nhưng từ lâu đã làm ăn lương thiện. Chỉ đến khi một trinh sát nói thẳng: "Còn gì nữa đâu mà chối.

Chúng tôi đã tìm đến đây và phát hiện ra rồi thì cần gì phải quanh co nữa anh Cường…

Mình là đàn ông, dám làm thì cũng phải dám nhận tội chứ…" thì Nguyễn Huy Cường mới cúi đầu nhận tội.

Cường yêu cầu, trước khi chịu án thì xin được dặn dò vợ cố gắng làm ăn chờ ngày chồng về, con gái cố gắng học giỏi, đừng như cha nó và đặc biệt là muốn được gặp mẹ lần cuối.

Theo lời khai của Cường, sau khi trốn khỏi trại giam, hắn lập tức bắt xe đò xuống Sóc Trăng tìm gặp Hên và được tên này giao cho khẩu súng AK để cất giữ và sử dụng trong những phi vụ đi cướp.

Ngoài ra còn được Hên đổi tên thành Nguyễn Hùng rồi mai mối cho cô em gái ruột tên Nguyễn Thị Năm.

Sau đó Cường trộm một chiếc ghe rồi cùng vợ sống lênh đênh trên sông nước, ban ngày thì cho ghe chui vào rừng dừa nước ẩn nấp, tối đến thì vác súng, chèo ghe ra khu vực dân cư cướp tiền và các loại vật dụng có giá trị.

Ngày 9-7-1993 Cường mang súng AK mò về quê uy hiếp anh Nguyễn Thanh Ngọc, ở xã Tiến Lợi, TP Phan Thiết cướp tài sản.

Bị chống trả quyết liệt, Cường đã nổ súng bắn anh Ngọc nhưng không trúng rồi chạy đến nhà ông Nguyễn Văn Điệp, ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam tiếp tục uy hiếp ông này để cướp nhưng không thành.

Biết không thể ở lại Bình Thuận được nữa, ngay trong đêm, Cường bắt xe đò về lại Sóc Trăng và bị bắt sau đó ít ngày khi thực hiện vụ trộm ở khu vực giáp ranh với tỉnh Trà Vinh.

Do trước đó Cường gây án ở tỉnh Bình Thuận nên đã được di lý về tỉnh này để xét xử với mức án 7 năm tù giam, cộng với án cũ, hắn phải chấp hành hình phạt tổng cộng 20 năm tù giam.

Đến ngày 16-8-1995. Một lần nữa Cường lại cưa đứt cùm chân trốn khỏi trại giam trở về Sóc Trăng, đổi tên thành Nguyễn Trường Giang rồi tiếp tục đi cướp.

Từ tháng 10-1995 cho đến cuối năm 1999, Cường liên tục gây ra nhiều vụ cướp và hai lần bị Công an huyện Mỹ Tú bắt và bị xử tổng cộng 24 tháng tù giam.

Ngán ngẩm cảnh quanh năm suốt tháng ăn cơm tù, sau khi mãn hạn, Cường đã học nghề sửa máy ghe, xuồng rồi mở một tiệm ở ngoại ô thành phố Sóc Trăng và sống nép mình nhẫn nhịn cho đến lúc bị bắt.

Ngày di lý Nguyễn Huy Cường về trại giam Công an tỉnh Bình Thuận, các trinh sát Phòng PC52 đã trực tiếp đến tận nhà đón mẹ của Cường là bà Lê Thị Sang đến để hai mẹ con "hàn huyên" sau 20 năm xa cách.

Đưa tay lau vội những giọt nước mắt cằn cỗi, bà Sang quay sang nói với các trinh sát: "Thật lòng gia đình tôi rất cảm ơn các anh Công an đã tìm giúp cho chúng tôi người con mà trước đó tưởng đã chết, gia đình cũng thường xuyên làm cơm canh cúng vào dịp tháng 7 hàng năm.

Nay tuy con tôi phải tiếp tục ở tù, nhưng thỉnh thoảng được vào thăm, được nhìn thấy mặt con là mãn nguyện lắm rồi, kể cả nó có chết trong tù còn hơn không được thấy mặt. Cảm ơn các anh Công an… Cảm ơn các anh rất nhiều…".

Một vụ truy bắt khác cũng đã khiến cho các trinh sát Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Thuận tốn khá nhiều thời gian và công sức, đó là trường hợp đối tượng Nguyễn Văn Tam, sinh năm 1962 tại khu phố 3, phường Mũi Né, TP Phan Thiết.

Năm 1999 do người vợ bị bệnh không thể kiếm tiền cung phụng cho mình, Tam đã dùng cây gỗ đánh vợ trọng thương rồi tưới xăng đốt gây thương tích trên 60%.

Trong thời gian Công an TP Phan Thiết mời lên làm việc, lợi dụng lúc đi vệ sinh, Tam đã chui qua lỗ thông gió trốn thoát.

Theo điều tra của các trinh sát Phòng PC52, trong suốt thời gian từ năm 1999 đến năm 2016, Tam không liên lạc với gia đình mà thay tên, đổi họ, sống ẩn náu ở khắp các tỉnh từ Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Hắn đã lấy tổng cộng đến 10 người vợ nhưng không trụ lại được với người nào bởi hắn có tính vũ phu, thường hay đánh đập vợ.

Đầu năm 2008, nhận thấy không thể lông bông mãi được nữa nên khi lẩn trốn đến tỉnh Cà Mau, Tam lấy người vợ thứ 11 và sinh được một cô con gái 8 tuổi.

Sau nhiều năm truy lùng ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước mà dấu vết của Tam vẫn như bóng chim tăm cá.

Đang trong lúc tưởng chừng như vô vọng thì vào cuối tháng 4-2016, lãnh đạo đơn vị nhận được thông tin có một đối tượng giống Nguyễn Văn Tam, nhưng đã đổi tên thành "anh Năm" đang sinh sống tại huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau nên lập tức cử trinh sát xuống xác minh.

Trong lúc các trinh sát lên đường thì lại có thông tin vào ngày 30-5-2016, Tam sẽ về thăm người thân ở Mũi Né, nhưng khi các trinh sát tìm đến nơi thì Tam đã cao chạy xa bay.

Nhận định Tam có thể đã chạy về nhà mẹ đẻ ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, các trinh sát tiếp tục lên đường và đến 20 giờ ngày 1-6-2016 thì tóm gọn Tam đưa về quy án.

Theo Thượng tá Nguyễn Trọng Tráng - Phó trưởng Phòng PC52 Công an tỉnh Bình Thuận, hàng năm cán bộ chiến sỹ của phòng truy bắt được trên dưới 60 tội phạm các loại, nhưng chiếm 80% là đối tượng mà các đơn vị bạn từ khắp các tỉnh trên cả nước yêu cầu phối hợp bắt giữ.

Số đối tượng phạm tội trong tỉnh thuộc diện truy nã đa số trốn đi nơi khác nên các trinh sát có khi phải nằm rừng ngủ bụi hàng tháng trời tại vùng núi các tỉnh phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên hoặc lội nước tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long để bám theo dấu vết đối tượng.

Có khi do yêu cầu nghiệp vụ nên không thể liên lạc với gia đình hoặc cũng có khi do nằm trong rừng không có sóng điện thoại khiến cho không ít lần vợ, con và những người thân trong gia đình các trinh sát hiểu lầm tưởng chồng, cha mình có chuyện mờ ám gì đó.

Để cho cán bộ chiến sỹ yên tâm công tác và những người thân trong gia đình hiểu được công việc của anh em, lãnh đạo đơn vị đã đến tận nhà động viên, giải thích và khi đã hiểu được, những người vợ, người mẹ không những thông cảm, chia sẻ với chồng con mình mà còn sẵn sàng nhận toàn bộ công việc chăm sóc con cái, chăm lo, vun vén gia đình để chồng, con mình toàn tâm lo cho công tác.

Cũng nhờ có "hậu phương" vững mạnh mà trong thời gian qua, cán bộ chiến sỹ trong đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó.

Viện trưởng VKSND huyện Quốc Oai khai tự gây thương tích

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét